Sách đa phương tiện
Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Tà Ôi tự gọi là Ta ôih. Tên gọi đó có vùng phát âm là Ta-uôih hay Ta uốt và trong thư tịch cũ được ghi chép là Ta hoi, Tôi ôi… Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số dân tộc Tà Ôi là 52.356 người. Tiếng nói của dân tộc Tà Ôi thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á. Cộng đồng dân tộc Tà Ôi ở Việt Nam gồm có 3 nhóm: Nhóm Tà Ôi chính dòng, nhóm Pa-co và nhóm Ba-hi. Các dân tộc Tà Ôi, Bru-Vân Kiều và Cơ Tu sống kề cận nhau, có cùng hoàn cảnh lịch sử - xã hội, nên các nét văn hoá càng gần nhau và có thể coi là một cộng đồng tộc người ngôn ngữ - văn hoá.
Nguồn sống chủ yếu của người Tà Ôi là làm rẫy, riêng người Ba-hi vì sống ở các ngã ba sông vùng chân núi nên có làm ruộng. Người Tà Ôi là cư dân sớm có thu nhập hoa lợi trên vườn, tuy vườn chưa có khuôn viên, nhưng đã có cây ăn quả như mít, cam, bưởi, muỗm... Ngoài ra, người Tà Ôi có truyền thống chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê, lợn…) để làm vật hiến sinh và trao đổi.
Cũng giống như các dân tộc Cơ Tu, Bru-Vân Kiều, kho tàng sáng tác nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng của người Tà Ôi rất đa dạng, phong phú, chỉ khác nhau ở một vài chi tiết của sự thờ cúng và cách tiến hành nghi lễ.[1]

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Bru - Vân Kiều còn có tên gọi khác là Bru, Vân Kiều, Ma Cong, Trì, Khùa. Nhóm địa phương của họ bao gồm: Vân Kiều, Ma Coong, Trì, Khùa. Người Bru - Vân Kiều sống tập trung ở các xã vùng cao thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Tiếng nói của đồng bào thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Bru - Vân Kiều tại Việt Nam có 94.598 người.
Ngày nay, người Bru - Vân Kiều vẫn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Người Khơ-me là dân tộc bản địa có lịch sử định canh định cư rất lâu dài, chủ yếu ở miền nam Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Họ là 1 trong 54 dân tộc anh em Việt Nam với nhiều bản sắc văn hóa độc đáo.
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định người Khơ-me ở nước ta là hậu duệ của các di dân từ Lục Chân Lạp - tiền thân của nhà nước Campuchia ngày nay. Họ di cư sang khu vực này theo nhiều đợt và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng với người Việt và người Hoa, người Khơ-me là một trong những nhóm cư dân có mặt sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ở Việt Nam, người Khơ-me còn có một số tên gọi khác như Khơ-me Crôm, Khơ-me Hạ, Khơ-me Dưới, người Việt gốc Miên...

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Người Xtiêng còn được gọi là Xa Điêng, Tà Mun, Bà Rá…  được chia thành hai nhóm chính: Bu Lơ ở vùng cao và Bu đêh ở vùng thấp. Họ cư trú lâu đời tại các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Xtiêng có 100.752 người. Tiếng nói của đồng bào thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ-me, ngữ hệ Nam Á.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Co hay còn gọi là: Cua, Khua, Cùa, Trầu, Bồng Miêu, Mọi Trà Bồng, Thanh Bồng, La Thụ…; cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Theo số liệu thống kê năm 2019, đồng bào Co ở Việt Nam có 40.400 người. Tiếng nói của họ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á. Đồng bào Co luôn có ý thức bảo tồn bản sắc dân tộc và tự hào về truyền thống của tổ tiên.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Cơ Tu, còn có các tên gọi khác như: Ca-tu, Cao, Hạ, Phương, Ca-tang…, cư trú chủ yếu ở vùng núi phía Tây các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Tiếng nói của họ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, ngữ hệ Nam Á, gần gũi với tiếng Tà Ôi, Bru-Vân Kiều. Nhìn chung, người Cơ Tu là một cộng đồng cư dân tương đối thống nhất về ngôn ngữ, văn hóa và tộc danh tự gọi.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Cơ-tu ở Việt Nam có 74.173 người.

Trải qua thời gian, người Cơ Tu hôm nay vẫn còn bảo lưu, gìn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Chứt còn có tên gọi khác: Sách, Mày, Rục, Mã Liềng, Arem. Tên gọi các nhóm dân tộc thuộc dân tộc Chứt gồm: Sách, Mày, Arem, Mã Liềng, Tu Vang, Pa Leng, Xơ Lang, Tơ Hùng, Chà Cùi, Tắc Cùi, U Mo, Xá Lá Vàng. Trong các nhóm này, nhóm Mày và nhóm Sách có số lượng người đông hơn cả. Họ cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tiếng nói của dân tộc Chứt thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Việt - Mường.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Chứt ở Việt Nam có 7.513 người.