Sách đa phương tiện
Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Mảng còn có tên gọi khác là Mảng Ư, Xá Mảng, Niểng O, Xá Bá O, là tộc người xuất hiện từ rất sớm ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
Người Mảng được chia thành hai nhóm là Mảng Gứng (người Mảng ở trên sườn núi) và Mảng Hệ (người Mảng ở dưới thấp), với nhiều nét tương đồng về tập tục trong sinh hoạt, tín ngưỡng, ngôn ngữ…
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Mảng ở nước ta có 4.650 người. Họ có tiếng nói riêng, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me, ngữ hệ Nam Á.
Trải qua quá trình phát triển, người Mảng đã tạo dựng cho mình bản sắc văn hoá riêng, góp phần làm nên một nền văn hoá đa sắc màu cho dân tộc Việt Nam.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Lự hay còn gọi là Phù Lừ, Nhuồn, Duồn. Ở Việt Nam hiện nay chỉ có nhóm Lự Ðen (Lừ Ðăm). Tiếng nói của người Lự thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, ngữ hệ Thái -Kađai.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Lự có 6.757 người.
Dân tộc Lự còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, góp phần tô thêm bức tranh văn hóa đa màu sắc của các dân tộc ở Việt Nam.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Hmông còn có các tên gọi khác: Mẹo, Mèo, Miếu Hạ, Mán Trắng, bao gồm các nhóm địa phương: Hmông Trắng, Hmông Hoa, Hmông Ðỏ, Hmông Ðen, Hmông Xanh, Na Miẻo. Tiếng nói của người Hmông thuộc ngữ hệ Hmông - Dao.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Hmông có 1.393.547 người.
Đồng bào Hmông có một đời sống tinh thần, tâm linh đa dạng với các phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng mang đậm dấu ấn núi rừng. Nền văn hoá nghệ thuật với các truyện cổ dân ca, nhạc cụ đa dạng. Tất cả tạo cho dân tộc Hmông một nền văn hóa không thể hòa lẫn với các dân tộc khác.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Người Dao có các tên gọi khác như: Mán, Đông, Trại… là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời tại vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng bào Dao có 891.151 người. Người Dao ở Việt Nam bao gồm các nhóm địa phương là: Dao Đỏ, Dao Quần chẹt, Dao Lô gang, Dao Tiền, Dao Quần trắng... Tiếng nói của họ thuộc ngữ hệ Mông - Dao. Dân tộc Dao sống du canh, du cư trên phạm vi rất rộng dọc theo biên giới Việt - Trung, Việt - Lào cho tới một số tỉnh trung du. Họ sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và ruộng nước. Người Dao tin theo các tín ngưỡng nguyên thuỷ, các nghi lễ nông nghiệp chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và Ðạo giáo. Bàn Vương được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình. Theo truyền thống tất cả đàn ông đã đến tuổi trưởng thành đều phải qua lễ cấp sắc. Người Dao có vốn văn nghệ dân gian rất phong phú gồm nhiều thể loại như: truyện cổ, bài hát, thơ ca... Nghệ thuật trình diễn được họ sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ tôn giáo. Cộng đồng dân tộc Dao ở Việt Nam đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Nùng cư trú ở vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam từ khoảng 200 năm trước. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng bào Nùng có số dân đông đứng thứ 7 tại Việt Nam với 1.083.298 người. Họ cư trú tập trung ở các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh... Người Nùng ở Việt Nam gồm các nhóm địa phương: Nùng Giang, Nùng Xuồng, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Cháo, Nùng Phàn Slình, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín... Họ nói tiếng Nùng, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái.

Sống ở vùng rừng núi, người Nùng luôn đề cao vai trò, vị trí của rừng trong sản xuất, đời sống, có ý thức bảo vệ và tích cực trồng rừng, tận dụng từng hốc đá trồng cây, gieo giống.

Dân tộc Nùng có truyền thống lịch sử phát triển lâu đời và hiện vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán văn hoá độc đáo, điển hình là lễ hội Lùng Tùng. Đồng bào cũng gìn giữ được nhiều truyện kể dân gian, truyện thơ và các làn điệu múa, hát cổ truyền.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Bố Y còn được gọi là Chủng Chá, Trọng Gia là một dân tộc cư trú phía Bắc Việt Nam.
Người Bố Y gồm 2 nhóm: Bố Y nói ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai) và nhóm Tu Dí nói ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán - Tạng).
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, đồng bào Bố Y có 3.232 người, cư trú tại 14 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Họ sống tập trung chủ yếu ở vùng Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái.
Trải qua quá trình phát triển, cộng đồng dân tộc Bố Y ở Việt Nam đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Từ việc canh tác nương rẫy, ruộng bậc thang, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục truyền thống cho đến các phong tục tập quán, loại hình sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật… đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc ở Việt Nam. 

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Người Giáy là một trong những dân tộc cư trú lâu đời ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Họ sống tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Giáy có 67.858 người. Tiếng Giáy thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, ngữ hệ Thái – Kađai.
Người Giáy có kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, nền văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, mang bản sắc riêng.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Hà Nhì hay còn gọi là U Ní, Xá U Ní là một dân tộc sinh sống lâu đời ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Người Hà Nhì ở Việt Nam bao gồm các nhóm địa phương: Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì Đen, họ có tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, ngữ hệ Hán - Tạng.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Hà Nhì có 25.539 người.
Đồng bào Hà Nhì có đời sống tinh thần đa dạng với các phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng mang đậm dấu ấn núi rừng. Tất cả tạo nên một nền văn hóa mang nét riêng biệt, không thể hòa lẫn.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc La Chí là một trong những dân tộc thiểu số có lịch sử cư trú lâu đời ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Theo Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng bào La Chí có 15.126 người, họ sống tập trung tại huyện Mường Khương, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang), tỉnh Tuyên Quang. Người La Chí có tiếng nói riêng, thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Đai (ngữ hệ Thái – Ka Đai). Họ có nhiều tên gọi khác nhau như Thổ Đen, Mán La Chí, Xá... nhưng tên La Chí phổ biến hơn cả.
Người La Chí sống theo từng bản trên các sườn núi đất cao. Gia đình người La Chí mang tính chất phụ quyền, người đàn ông điều khiển mọi công việc trong nhà. Họ theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng và ít xảy ra hiện tượng ly dị cũng như đa thê. Người La Chí thờ cúng tổ tiên, tổ tiên được cúng ba đời đối với nam, hai đời đối với nữ.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Sán Chay hay Hờn Bán, Chùng, Trại là một dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng bào Sán Chay ở Việt Nam có khoảng 201.398 người. Họ sinh sống tập trung ở Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, rải rác ở các tỉnh: Quảng Ninh, Yên Bái, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc. Dân tộc Sán Chay gồm 2 nhóm địa phương: Cao Lan và Sán Chỉ. Tiếng Cao Lan thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Đai) còn tiếng Sán Chỉ thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán - Tạng).
Là cư dân nông nghiệp, người Sán Chay làm ruộng nước thành thạo, đồng thời nương rẫy vẫn có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế. Phương thức canh tác theo lối chọc lỗ, tra hạt vẫn tồn tại đến ngày nay.

Dân tộc Sán Chay có nhiều truyện cổ, thơ ca, hò, vè, tục ngữ, ngạn ngữ. Ðặc biệt Xình ca là hình thức sinh hoạt văn nghệ phong phú, hấp dẫn nhất của người Sán Chay. 
Vào ngày hội đình, hội xuân, Tết Nguyên đán... đồng bào vui chơi giải trí với những trò diễn sôi nổi như: đánh quay, "trồng cây chuối", "vặn rau cải", tung còn...

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Người Hoa di cư đến Việt Nam vào những thời điểm khác nhau từ thế kỷ XVI, và sau này vào cuối thời Minh, đầu thời Thanh, kéo dài cho đến nửa đầu thế kỷ XX.
Tên gọi khác: Khách, Hán, Tàu
Người Hoa thiên di vào cả miền bắc và miền nam Việt Nam từ nhiều địa phương, bằng nhiều con đường, trong những thời gian khác nhau, kéo dài suốt từ thời kỳ bắc thuộc cho đến năm 1954. Việc hình thành vĩ tuyến 17 (năm 1954) chia cắt hai miền của Việt Nam với những thể chế chính trị khác nhau, lịch sử đã chứng kiến khoảng 40.000-45.000 người Hoa rời miền bắc Việt Nam di cư vào miền nam.
Địa bàn sống chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sóc Trăng.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Cờ Lao có 4.003 người, trong đó tập trung nhiều nhất tại tỉnh Hà Giang, bao gồm 3 nhóm: Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Đỏ và Cờ Lao Xanh. Người Cờ Lao Trắng tự gọi là Tứ Đư, người Cờ Lao Xanh tự gọi là Ho Ki, người Cờ Lao Đỏ tự gọi là Voa Đề. Tiếng nói dân tộc Cờ Lao thuộc nhóm ngôn ngữ hệ Thái - Ka Ðai. Trước đây, các nhóm địa phương có phương ngữ khác nhau nhưng hiện nay đa số người Cờ Lao Ðỏ và một bộ phận người Cờ Lao Xanh không còn nói được tiếng mẹ đẻ của mình nữa. Tuỳ theo quá trình tiếp xúc, cộng cư, họ quen sử dụng tiếng Hán, tiếng Nùng hay tiếng Pu Péo, Hmông. Hiện nay, bên cạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cộng đồng dân tộc Cờ Lao vẫn gìn giữ được một số nét đặc trưng trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.