Sách đa phương tiện
Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Người Hrê có tên gọi khác là Chăm Rê, Chom Krẹ Luỳ. Trước kia, họ được gọi là Mọi Đá Vách, Man Thạch Bích, Mọi Sơn Phòng, Tà Ma, Thượng Ba Tơ, Mọi Lũy, Chom, Chăm rê, Chăm Quảng Ngãi, Mọi Chòm… Đồng bào tự gọi theo tên sông nước trong vùng, trong đó nhóm ở dọc sông Hrê đông nhất. Họ có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á, gần gũi với tiếng nói của người Xơ-đăng và Ba-na. Địa bàn cư trú chủ yếu của người Hrê là ở miền núi hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Hrê có 149.460 người.
Đồng bào Hrê sống định canh thành từng làng (plây). Làng truyền thống của đồng bào Hrê thường có tên gọi theo địa danh đồi núi, sông suối tự nhiên nơi cư trú. Trong làng người Hrê, già làng là người có uy tín cao và đóng vai trò quan trọng. Người Hrê sống trong những ngôi nhà sàn thấp, theo kiểu "thượng thách hạ thu" (vách dựng nghiêng phía trên ra ngoài). Họ có truyền thống canh tác lúa nước và lúa cạn. Tín ngưỡng vạn vật hữu linh là đặc trưng trong văn hoá tinh thần của dân tộc Hrê. Hồn lúa giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào, thể hiện qua các nghi lễ khác nhau theo chu kì gieo trồng trong năm.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Người Lô Lô tự gọi dân tộc mình là Màn Dì, Màn Chì hay Mùn Dì và đều có nghĩa là người Di. Ở Lai Châu, họ lại tự gọi mình là Nhì Sư Phồ. Người Tày, Nùng, Giáy ở Lào Cai gọi người Lô Lô là Pu Mỳa, người Thái ở Tây Bắc gọi họ là Xá Pên… Dân tộc Lô Lô còn có tên gọi khác là: Ô Man, Lu Lọc Màn, La La, Qua La, Di Nhân, Di Gia, Lạc Tô… Họ có tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, ngữ hệ Hán - Tạng. Căn cứ vào trang phục, thổ âm và một số đặc trưng văn hóa, người Lô Lô ở nước ta có thể chia làm hai nhóm địa phương là Lô Lô Đen (Màn Dì No), nhóm Lô Lô Hoa (Màn Dì Qua hay Màn Dì Pu).

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Lô Lô ở Việt Nam có 4.800 người.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Ơ-đu còn có tên gọi khác là Tày Hạt, cư trú chủ yếu tại tỉnh Nghệ An. Tiếng nói của đồng bào thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ-me, ngữ hệ Nam Á. Do sống xen lẫn với các nhóm tộc người khác nên trong sinh hoạt hằng ngày, họ thường giao tiếp bằng tiếng Thái (nhóm Tày Mười) hay tiếng Khơ-mú. Ngày nay, tiếng phổ thông (tiếng Việt) được nhiều người Ơ-đu sử dụng để giao tiếp.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Ơ-đu ở Việt Nam có 428 người

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Pà Thẻn thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, với dân số ít hơn nhiều so với hai dân tộc này. Nhiều nghiên cứu cho rằng người Pà Thẻn có mối quan hệ mật thiết với người Hmông và người Dao. Có nghiên cứu cho rằng người Pà Thẻn là nhóm thứ 8 trong 12 nhóm Dao trước kia đã thiên di từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhưng việc người Pà Thẻn được một số dân tộc gọi là Mèo Lài, Mèo Đỏ, Mèo Hoa… cho thấy sự tương đồng văn hóa của họ với người Hmông. Người Pà Thẻn cùng với người Dao, Mông di cư vào Việt Nam từ khoảng 2-300 năm trước.

Về tộc danh: Ngoài tên Pà Thẻn, còn có tên Pà Hưng, Pà Ửng, Mèo Lài, Mèo Đỏ, Mèo Hoa…

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Người Kinh là tộc người có số dân đông nhất Việt Nam. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Kinh có 82.085.826 người. Tiếng nói dân tộc Kinh thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, ngữ hệ Nam Á. Họ cư trú ở hầu khắp các địa phương trong nước và ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Người Kinh là tộc người có lịch sử khai phá và cư trú lâu đời ở vùng châu thổ Bắc Bộ Việt Nam, họ vốn có mối quan hệ nguồn gốc với người Mường trong khối cộng đồng cư dân ở vùng tiền châu thổ. Người Kinh đã từng bước chinh phục và chiếm lĩnh vùng châu thổ được thành tạo chủ yếu bởi hệ thống sông Hồng (sông Cái – sông Mẹ trong tâm thức dân gian người Việt) và hệ thống sông Thái Bình. Trong bối cảnh không gian địa lý và môi trường tự nhiên đó, thông qua những tương tác văn hóa – xã hội, người Kinh đã dần kiến tạo, định hình và khẳng định bản lĩnh, bản sắc văn hóa của mình, từ hoạt động sinh kế (canh tác nông nghiệp lúa nước là chủ yếu) đến mô hình tổ chức xã hội (nhà – làng – nước), từ diện mạo văn hóa vật chất đến bề sâu văn hóa tinh thần. Họ đã trở thành nhân tố quan trọng trong việc cố kết các cộng đồng cư dân trong quốc gia Văn Lang – Âu Lạc thời dựng nước trước những thách thức của tự nhiên (mà điển hình là công cuộc trị thủy) và xã hội (mà điển hình là công cuộc giữ nước, chống xâm lăng).
Vì lẽ sinh tồn và bởi những biến động xã hội, người Kinh đã từng bước mở rộng không gian sống của mình trong công cuộc Nam tiến. Trên bước đường đó, họ đã cộng cư, cộng cảm với những tộc người khác, cố kết trong một cộng đồng quốc gia dân tộc thống nhất. Với khả năng thích ứng linh hoạt, thông qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, họ đã thâu hóa, tạo lập và vun bồi nên những sắc thái văn hóa độc đáo, in đậm dấu ấn khung cảnh tự nhiên và xã hội của mỗi vùng. Mặc dù vậy, dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, vẫn có thể thấy được ở người Kinh những truyền thống văn hóa lâu đời mà trước hết là nét tính cách, thế ứng xử, niềm tin, thậm chí là những ám ảnh tinh thần… phân biệt họ với những cộng đồng cư dân khác. 
Là một vùng đất cổ, từ rất sớm đã là nơi cư trú của người Kinh, xứ Kinh Bắc – văn hóa Kinh Bắc có thể xem là một vi mẫu mang chứa những nét đặc trưng nổi bật của xã hội và văn hóa Việt.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Người Pu Péo đã sinh sống lâu đời ở miền cực bắc Việt Nam. Người Pu Péo cư trú tại Hà Giang từ trước thế kỷ 18, một bộ phận khác đến muộn hơn, khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Hiện nay, người Pu Péo có mặt tại 20/63 tỉnh, thành phố của nước ta. Đồng bào cư trú tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Ngái còn có tên gọi khác là Sán Ngải. Tiếng nói của người Ngái thuộc nhóm ngôn ngữ Hoa, ngữ hệ Hán - Tạng.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Ngái ở Việt Nam có 1.649 người.

Người Ngái lấy việc trồng lúa nước làm nguồn sống chính. Thủ công nghiệp đóng vai trò đáng kể trong đời sống đồng bào. Họ ở nhà đất với nhiều kiểu kiến trúc và chất liệu lợp mái khác nhau. Y phục của cả nam và nữ tương đối đơn giản không thêu thùa.

Những phong tục, tập quán, hình thái văn nghệ dân gian, lễ hội của người Ngái hiện nay đang dần mai một, cần được quan tâm để các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần phong phú và độc đáo của họ được lưu truyền.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Sán Dìu là một trong các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Hoa (ngữ hệ Hán - Tạng). Họ có tên tự gọi là Sán Déo Nhín (Sơn Dao Nhân), được các dân tộc khác gọi là Trại Đất, Mán Quần Cộc, Mán Váy Xẻ, Sán Nhiêu, Slán Dảo, Sán Dìu Chộc, Mán Đất, Mán Ruộng...
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng bào Sán Dìu tại Việt Nam có 183.004 người. Hiện nay, đồng bào đang cùng các dân tộc anh em ra sức cải thiện, phát triển đời sống, đồng thời bảo vệ, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Tày còn có tên gọi khác là Thổ, bao gồm các nhóm các nhóm địa phương: Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí. Tiếng nói của người Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Đai).
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Tày ở Việt Nam là dân tộc thiểu số đông dân nhất với 1.845.492 người.
Hiện nay người Tày vẫn còn lưu giữ được những giá trị về văn hoá, văn nghệ, phong tục tập quán độc đáo của dân tộc mình.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Chăm hay còn gọi là Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm Pa, Hời... Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng bào Chăm có 178.948 người. Tộc người Chăm cư trú tập trung tại hai tỉnh Nam Trung Bộ là Ninh Thuận, Bình Thuận và tỉnh An Giang ở Nam Bộ. Tiếng nói dân tộc Chăm thuộc ngữ hệ Nam Đảo, nhóm ngôn ngữ Malayo - Polinesia.

Người Chăm sống tụ cư thành từng làng, chia thành các nhóm: Chăm Bà la môn, Chăm Bà ni, Chăm Hồi giáo và Chăm Hroi. Người Chăm theo Hồi giáo, đạo Bà la môn có các hoạt động lễ nghi và tín ngưỡng tuân theo đạo mà mỗi nhóm người Chăm tin theo. Yếu tố tôn giáo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của đồng bào Chăm. Hoạt động văn nghệ dân gian, trình diễn xen kẽ các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, lễ cưới… Hoạt động kinh tế của người Chăm khá phong phú. Nông nghiệp bao gồm trồng lúa và hoa màu. Nghề thủ công gồm nghề làm gốm và nghề dệt thổ cẩm với hai địa danh nổi tiếng là làng gốm Bàu Trúc và làng nghề dệt Mỹ Nghiệp.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Thổ là một trong những dân tộc sống xen kẽ cùng hai dân tộc Kinh và Thái trong cộng đồng các dân tộc ở khu vực miền núi Nghệ An, bao gồm các nhóm Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Pọng. Tiếng nói của dân tộc Thổ thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, ngữ hệ Nam Á. Tiếng nói giữa các nhóm có sự khác nhau trong ngữ âm, song cơ bản họ vẫn có thể hiểu được nhau.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Thổ ở Việt Nam có 91.000 người.
Người Thổ hiện nay vẫn lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Dân tộc Chơ-ro ở Việt Nam còn có những tên gọi khác như: Châu Ro, Dơ Ro, Chro, Thượng; cư trú phần lớn ở tỉnh Đồng Nai. Ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Môn-Khmer (ngữ hệ Nam Á). Người Chơ-ro sống gần gũi, gắn bó chặt chẽ với người Việt nên trong ngôn ngữ của họ, lượng từ tiếng Việt ngày một nhiều hơn.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng bào Chơ-ro ở Việt Nam có 29.520 người.
Hiện nay, người Chơ-ro vẫn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc dân tộc.